Chính trịXây dựng Đảng

Sinh hoạt tư tưởng

Công tâm, khách quan trong bình xét thi đua

15:01 - Thứ Tư, 06/12/2023 Lượt xem: 2007 In bài viết

ĐBP - Trong buổi cà phê, cô bạn thời cấp 3 hiện đang công tác tại một đơn vị sự nghiệp than thở: Cả năm qua, tớ đã cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được những thành tích nhất định, nhưng khi bình xét thi đua cuối năm thì lại “trượt”.

Tôi hỏi tại sao thế? Cô bạn đáp: Cứ đến kỳ khi bình xét thi đua, nhiều đồng chí lãnh đạo định hướng cho mình, thế nên cán bộ, nhân viên vì cả nể, không muốn mất lòng cấp trên đành ậm ừ cho qua, việc thì mình làm nhưng thành tích do cấp trên “kiểm tra, đôn đốc”.

Từ câu chuyện trên có thể nhận định, cùng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm khen thưởng đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tỷ lệ theo quy định; đánh giá thực chất, khách quan, dân chủ, công khai thì vẫn còn đơn vị, tổ chức việc xếp loại thi đua cuối năm cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng cào bằng vẫn còn tồn tại trong các cơ quan, đơn vị khi xếp loại một cách qua loa, đại khái, “ai cũng đều tốt cả”, “cả nhà cùng vui”. Một số nơi có trường hợp nhường danh hiệu thi đua, nhường cho cấp trên, cho cán bộ sắp về hưu. Cũng có một số nơi “nuôi danh hiệu”. Một người, một tập thể sẽ được ưu tiên trong xếp loại để đạt tiêu chí các danh hiệu thi đua khen thưởng nhằm đảm bảo tính liên tục, được các cấp khen thưởng cao hơn. Ngoài ra, vì e ngại ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể, nhiều nơi còn dễ dãi trong thực hiện các hình thức kỷ luật đối với những cá nhân vi phạm quy chế, quy định làm việc.

“Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Phong trào thi đua cũng là động lực cho mọi người cố gắng khắc phục khó khăn, cùng tiếp tục đi lên. Ngược lại, nếu làm không đúng, chúng ta sẽ gặp những hậu quả khôn lường, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng của những người lao động chân chính.

Muốn thế, việc tổng kết, kiểm điểm, bình xét phải được thực hiện đúng nguyên tắc, dựa trên những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Điều này đòi hỏi người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thật sự công tâm, dân chủ, minh bạch; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo khen thưởng và giá trị khen thưởng phải tương xứng với thành tích. Cùng với đó, từng đảng viên cần nắm vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; nhận xét, đánh giá với tinh thần thẳng thắn, chân tình, xây dựng và hướng về tập thể, mục tiêu, nhiệm vụ chung; bầu chọn công tâm, khách quan, không định kiến...

Phương Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top